Chủ động giám sát, phát hiện và kiểm soát bệnh do virus Marburg

Virus Marburg có thể lây từ người sang người thông qua dịch cơ thể, đường máu, nước tiểu, nước bọt, chất tiết khi nôn, sữa, tinh dịch, dịch ối và khi tiếp xúc gần. Bệnh do virus Marburg gây ra được đánh giá là bệnh lý nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao.

ính đến ngày 10/10, tại Rwanda (một quốc gia ở Đông Phi) đã có 58 ca mắc bệnh do virus Marburg, trong đó có 13 trường hợp tử vong, đáng nói có đến 70% số ca mắc là nhân viên y tế. Bệnh do virus Marburg gây ra được đánh giá là bệnh lý nguy hiểm với khả năng lây truyền cũng như tỷ lệ tử vong cao có thể lên tới 88%.

Virus Marburg nguy hiểm như thế nào?

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai, virus Marburg cùng họ với virus Ebola. Đây là loại virus thông qua động vật trung gian là loài dơi ăn quả để gây bệnh. Khi con người tiếp xúc hoặc hút phải chất tiết, nước tiểu của loài dơi này sẽ có nguy cơ bị nhiễm bệnh.

PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai.

Virus Marburg có thể lây từ người sang người thông qua dịch cơ thể, đường máu, nước tiểu, nước bọt, chất tiết khi nôn, sữa, tinh dịch, dịch ối và khi tiếp xúc gần. Khả năng lây nhiễm của virus Marburg cũng có thể xảy ra khi trong phòng thí nghiệm hoặc lúc nhân viên y tế chăm sóc cho người bệnh.

Virus Marburg cũng không phải quá dễ lây, chủ yếu lây qua đường tiếp xúc. Với trường hợp tiếp xúc rất gần mới có thể lây qua giọt bắn.

Dấu hiệu nhiễm virus Marburg

PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết, các dấu hiệu lâm sàng của bệnh do virus Marburg gây ra khó có thể để chẩn đoán vì có thể nhầm lẫn với những bệnh lưu hành tại vùng/khu vực đó. Ví dụ như ở các nước Châu Phi có thể nhầm lẫn với các bệnh lý như thương hàn, sốt vàng, Ebola…

Thông thường, bệnh do virus Marburg gây ra sẽ có thời gian ủ bệnh từ 2-21 ngày. Ban đầu người bệnh sẽ có những triệu chứng như:

- Sốt đột ngột

Ớn lạnh

Đau đầu

- Đau cơ, đau người

Đến ngày thứ 5 trong thời gian ủ bệnh có thể xuất hiện phát ban hoặc thấy rát. Bên cạnh đó còn có một số biểu hiện khác kèm theo như: đau ngực, đau bụng, buồn nôn, đau họng, tiêu chảy, vàng mắt… Bệnh nhân cũng có thể có triệu chứng xuất huyết, mê sảng sau đó sốc dẫn đến tình trạng suy gan, suy đa tạng và gây tử vong. Hiện nay chưa có loại vaccine hay thuốc kháng virus đặc hiệu để điều trị bệnh do virus Marburg gây ra. Người bệnh sẽ cần phải cách ly nghiêm ngặt. Phương pháp chủ yếu để điều trị bệnh là điều trị hỗ trợ bằng các biện pháp như: chống xuất huyết, bù nước điện giải… Trong trường hợp người bệnh có biểu hiện suy đa tạng cần được thở oxy, hồi sức. Đây là bệnh có tỷ lệ tử vong cao do đó người mắc bệnh thường được tiên lượng nặng.

Virus Marburg có thể lây từ người sang người.

Do hiện tại vẫn chưa có vaccine đặc hiệu để phòng bệnh, mọi người cần thực hiện bằng các biện pháp không đặc hiệu như:

- Tránh tiếp xúc với dịch tiết từ các loại dơi ăn quả.

- Không tiếp xúc với người bệnh hoặc người có nghi ngờ mắc bệnh.

- Hạn chế đến những khu vực có nguy cơ nhiễm bệnh hoặc đang có dịch.

- Trong trường hợp nếu tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi ngờ mắc bệnh cần thực hiện bảo hộ đúng cách như sử dụng khẩu trang, găng tay, khử khuẩn hoặc dùng dung dịch sát trùng…

- Với nhân viên y tế hoặc nhân viên trong phòng thí nghiệm cần thực hiện nghiêm quy trình để hạn chế lây nhiễm.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã ký văn bản số 1006/DP-DT gửi Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur; Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế các tỉnh, thành phố; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố có hoạt động kiểm dịch y tế đề nghị tập trung triển khai các nội dung nhằm chủ động giám sát, phát hiện và kiểm soát dịch bệnh Marburg.

Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố có hoạt động kiểm dịch y tế cần: Cập nhật thông tin về các quốc gia/vùng lãnh thổ đang ghi nhận trường hợp bệnh Marburg để tăng cường, chủ động giám sát chặt chẽ các đối tượng phải kiểm dịch y tế từ các khu vực này nhập cảnh, quá cảnh, nhập khẩu qua các cửa khẩu tại nước ta; Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân đối với cán bộ, nhân viên và người tiếp xúc với các trường hợp nghi ngờ/mắc bệnh, không để lây nhiễm cho nhân viên y tế, lây lan ra cộng đồng.

Bên cạnh đó các đơn vị cũng cần chuẩn bị sẵn sàng phòng, khu vực cách ly tạm thời sử dụng cho các trường hợp nghi ngờ,mắc bệnh ở cửa khẩu (nếu cần); các trang thiết bị, hóa chất, thuốc đảm bảo có thể sử dụng ngay khi có dịch; Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác kiểm dịch y tế về giám sát, kiểm soát bệnh Marburg. Đặc biệt lưu ý về công tác phòng, chống nhiễm khuẩn;

Tiếp tục tổ chức truyền thông tại cửa khẩu cho hành khách, người dân về các biện pháp phòng chống, đặc biệt cần thông báo ngay cho cơ sở y tế khi họ phát hiện các triệu chứng và yếu tố dịch tễ liên quan đến bệnh Marburg trong vòng 21 ngày kể từ ngày họ nhập cảnh Việt Nam; Rà soát, cập nhật kế hoạch dự phòng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh Marburg tại từng cửa khẩu với sự tham gia, phối hợp của các cơ quan chức năng tại cửa khẩu, cơ quan y tế tại địa phương, trong đó lưu ý về nhân viên y tế đi cùng, phương tiện vận chuyển người nghi ngờ, mắc bệnh và cơ sở y tế có thể tiếp nhận chăm sóc, điều trị.

Đối với các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, Bộ Y tế yêu cầu hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ địa phương về giám sát và các biện pháp phòng chống, lấy mẫu, vận chuyển mẫu bệnh phẩm an toàn; tiếp nhận mẫu bệnh phẩm để chẩn đoán xác định bệnh Marburg từ các địa phương; Tiếp tục tăng cường năng lực xét nghiệm, chẩn đoán xác định bệnh Marburg; Rà soát, củng cố đội phản ứng nhanh tại đơn vị, sẵn sàng đáp ứng khi ghi nhận trường hợp nghi ngờ, mắc tại các địa phương (nếu có).

Nguồn: Báo SKĐS