TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 300 NĂM HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG LÊ HỮU TRÁC
Thực hiện Công văn số 2151-CV/BTGTU, ngày 25/11/2024 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về đôn đốc đẩy mạnh tổ chức các hoạt động cao điểm tuyên truyền kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-2024); Công văn số 123 - CV/BTGHU, ngày 29/11/2024 của Ban Tuyên giáo Huyện ủy về việc tuyên truyền Kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 - 2024).
Mục đích nhằm tôn vinh, tri ân những công lao, cống hiến to lớn của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đối với nền y học, văn hoá, lịch sử của Việt Nam và thế giới; khẳng định những giá trị tư tưởng di sản vượt thời gian mà bậc danh nhân đã để lại cho hậu thế. Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh tập trung tuyên truyền tới mỗi người dân nhân dịp Kỷ niệm 300 năm Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác với các nội dung sau:

Kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 - 2024).
Năm 2024, nước ta vô cùng tự hào kỷ niệm trọng thể 300 năm ngày sinh của đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Một tin vui lớn đối với Dân tộc, tại phiên họp Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) lần thứ 42 ở Thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp đã thông qua nghị quyết phê chuẩn danh sách các "Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2024 - 2025", trong đó đã vinh danh những công lao, cống hiến của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác cho nền y học Việt Nam và thế giới. Là danh y lỗi lạc trong lịch sử y học dân tộc, ông để lại kho tàng y học vô giá, đặt nền móng quan trọng cho sự phát triển của y học nước nhà dù trải qua bao thế kỷ vẫn vẹn nguyên giá trị đích thực và tính ứng dụng sâu sắc.
Hiện nay, UNESCO đã thông qua Nghị quyết vinh danh và cùng kỷ niệm năm sinh/năm mất của 7 cá nhân tiêu biểu của Việt Nam như:
Kỷ niệm 600 năm ngày sinh Danh nhân Nguyễn Trãi (1980);
100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1990);
250 ngày sinh Danh nhân Nguyễn Du (2015);
650 năm ngày mất của Nhà giáo Chu Văn An (2019);
200 năm ngày sinh của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (2021);
250 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của Nữ sĩ Hồ Xuân Hương (2021);
Và 300 năm ngày sinh của Danh y Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (2024).
Trong đó Hà Tĩnh vinh dự có 2/ tổng số 7 danh nhân của cả nước được UNESCO vinh danh. Đây là kết quả của việc thực hiện Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030, qua đó góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.
Việc lập hồ sơ vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là thành quả của sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ trong thời gian qua của tỉnh Hà Tĩnh, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Bộ Y tế, UBND tỉnh Hưng Yên với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao, Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO, các chuyên gia, nhà khoa học của Việt Nam và quốc tế…vv…
Tiểu sử của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác:
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (còn có tên là Lê Hữu Huân) sinh năm Giáp Thìn 1724, quê ở làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên).
Mẹ của Lê Hữu Trác là bà Bùi Thị Thưởng, quê xứ Bàu Thượng, xã Tình Diệm, nay là xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn.
Biệt hiệu Hải Thượng Lãn Ông có ý nghĩa gắn với quê cha và quê mẹ của danh nhân, trong đó: chữ Hải - lấy chữ đầu của quê cha tỉnh Hải Dương, chữ Thượng - chữ thứ hai tên thôn Bàu Thượng quê mẹ (nay là thôn Bảo Thượng); Lãn Ông nghĩa là "ông già lười" không ham lợi danh, quyền thế. Người đời sau thường dùng các tên Hải Thượng Lãn Ông, Hải Thượng hay Lãn Ông thay cho tên Lê Hữu Trác. Cách gọi và viết liền Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là cách thường dùng hiện nay.
Dòng tộc Lê Hữu, làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) nổi tiếng có truyền thống khoa bảng, nhiều người đỗ đạt làm quan dưới thời Hậu Lê. Gia cho biết dòng họ có 6 người đỗ Tiến sĩ, 5 đỗ Giải nguyên, 20 đỗ Cử nhân, Tú tài, nhiều người được triều đình phong chức tước. Thân phụ Lê Hữu Trác là Lê Hữu Mưu (1675 - 1739), đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Dần niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 6 (1710) đời Lê Dụ Tông, làm quan đến chức Hữu thị lang Bộ Công, Nhập thị kinh diên, được phong tước Phu đình Bá, sau khi mất được truy tặng hàm Thượng thư.
Một người chú ruột của Lê Hữu Trác cũng rất nổi tiếng là Tiến sĩ Lê Hữu Kiều (1691 - 1760), từng giữ chức Thượng thư Bộ Công, Bộ Lễ, Bộ Binh, Tham tụng, Đốc trấn Thái Nguyên, được phong tước Liêu quận Công. Dòng họ Lê Hữu có lịch sử hơn 500 năm phát triển với 28 đời truyền nối, đến nay nhiều chi phái họ Lê Hữu có mặt trên khắp mọi miền đất nước…vv…
Đại danh y Lê Hữu Trác không chỉ là một nhà y dược học vĩ đại mà còn là nhà thơ, nhà văn xuất sắc, nhà tư tưởng tiến bộ, có tinh thần nhân đạo sâu sắc. Sau khi mất, ông được nhân dân và giới y học cả nước suy tôn là bậc “Y thánh của Việt Nam”. Cuộc đời và sự nghiệp của ông được kết tinh bởi tri thức uyên thâm, tư tưởng tiến bộ, đạo đức trong sáng, thể hiện qua những tác phẩm đồ sộ mà giá trị còn mãi đến ngày nay. Ông đã để lại cho hậu thế một tàng thư y học, một tấm gương sáng về y đức, y lý, y thuật... vô giá trong di sản văn hoá Việt Nam và được coi là ông tổ của ngành y học cổ truyền Việt Nam.
Là con của Tiến sỹ Thị lang Bộ Công triều, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sớm được theo cha học tập ở kinh thành Thăng Long và nổi tiếng là cậu học trò thông minh, toàn diện. Lê Hữu Trác từng thi đậu Tam trường, rồi theo học binh thư và được sung vào quân đội chúa Trịnh. Ông là người quyết đoán, thẳng thắn, cương trực nhưng cũng rất hiền từ, là người có chí khí thanh cao nên sớm chán nản khi chứng kiến những rối ren, ngang trái của xã hội. Sau một thời gian tham gia việc quân chính, viện cớ anh trai mất và phải nuôi mẹ, ông xin về quê mẹ (Hương Sơn, Hà Tĩnh) ở ẩn.
Từ đây, cuộc đời Lê Hữu Trác gắn bó với quê mẹ ở thôn Bàu Thượng, xã Tình Diệm, huyện Hương Sơn (nay là xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh).
Vốn là người thông minh, học rộng, sau một cơn bạo bệnh được thầy thuốc Trần Độc chữa trị và quý mến truyền thụ cho tất cả các kiến thức về y dược, Lê Hữu Trác nhanh chóng hiểu sâu y lý, tìm thấy sự say mê ở sách y học. Với trí thông minh hơn người lại cẩn trọng trong công việc, Hải Thượng Lãn Ông đã phát hiện những kiến thức mới về y học, sinh lý học, dược học. Dựa trên thực tế dược liệu Việt Nam, ông đã có những sáng tạo độc đáo, tạo nên nhiều bài thuốc quý hiếm, chữa bệnh cứu người thành công. Đại danh y đã phát hiện 305 vị thuốc nam, sưu tầm, thu thập 2.854 vị thuốc nam hay của các bậc tiền bối, nhất là Nam dược của Thiền sư Tuệ Tĩnh. Với tâm nguyện hoài bão ấp ủ là soạn sách, mở trường thuốc để truyền bá y học và với lý tưởng cao cả “làm sách truyền phương để giúp đời vô tận”, Lê Hữu Trác đã dựng lên ngọn cờ đỏ thắm trong y giới qua bộ “Y tông tâm lĩnh”. "Hải Thượng Y tông tâm lĩnh" là kết quả cả đời nghiên cứu của ông đối với các cuốn sách kinh điển: Nội kinh, Nam kinh, Thương hàn, Kim quỹ... Các bài thuốc trong sách là kết quả của quá trình tìm hiểu nền y học cổ truyền dân tộc kết hợp với thực tế chữa bệnh trong nhiều năm của Đại danh y Lê Hữu Trác. “Hải Thượng Y tông tâm lĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển, bao gồm đủ các lĩnh vực trong y học: Y đức, Y lý, Y thuật, Dược, Di dưỡng và được xem là bộ “Bách khoa toàn thư” về y học. “Hải Thượng Y tông tâm lĩnh” không chỉ là bộ sách quý về y học mà còn được các nhà nghiên cứu đánh giá cao về giá trị văn học bởi cách kể chuyện hấp dẫn của tác giả.
Các tác phẩm của Lê Hữu Trác
Lê Hữu Trác để lại trước tác đồ sộ, trong đó có bộ sách nổi tiếng Hải Thượng Y tông tâm lĩnh (chữ Hán: 海 上 醫 宗 心 嶺) là công trình tâm huyết cả đời thầy thuốc của ông. Bộ sách được ông hoàn thành về cơ bản (và viết lời tựa) năm 1770; sau đó được ông bổ sung: Y trung quan kiện (1780), Y hải cẩu nguyên (1782), Thượng Kinh ký sự (1783); Vận khí bí điển (1786).
Tác phẩm gồm 28 tập chia thành 61 quyển, được in (bản khắc ván) lần đầu vào năm 1885.
Các tác phẩm khác:
Vệ sinh yếu quyết; Nữ công thắng lãm; Bảo thai thần hiệu diễn ca
Ngoài lĩnh vực y học (Đông y), bộ sách còn có giá trị về nhiều lĩnh vực như: văn học, lịch sử, giáo dục, văn hoá học.
Những đóng góp của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đối với nền Y học dân tộc
- Về mục đích, quan điểm, nguyên tắc hành nghề của Lê Hữu Trác
Về mục đích làm thuốc, ngay trong bài giảng đầu tiên về phương pháp hành y (Y nghiệp thần chương), Lê Hữu Trác đã viết: "Nghề làm thuốc tức là một nghề cầm cái sinh mệnh của con người ở trong tay mình…”
- Về Y đức
Theo ông, nhân cách của người thầy thuốc chân chính phải có đủ 8 đức tính: Nhân - Minh - Đức - Trí - Lượng - Thành - Khiêm - Cần (quan tâm đến người khác - sáng suốt, đức độ - rộng lượng - thành thật - khiêm tốn - chăm chỉ) và cũng chỉ ra 8 tội cần tránh của lương y: Lười - Keo - Tham - Dối - Dốt - Ác - Hẹp hòi - Thất đức.
Hải Thượng Lãn Ông là thầy thuốc đầu tiên nói về y đức một cách đầy đủ, sâu sắc và có hệ thống. Quan điểm về y đức của Lê Hữu Trác được trình bày trang trọng chủ yếu trong bài Y huấn cách ngôn và được giảng giải cụ thể ở các tập Dương án, Âm án, Y lý thâu nhàn, Thượng Kinh ký sự.
Trước hết, Hải Thượng Lãn Ông nêu rõ và yêu cầu những phẩm chất cần có của người thầy thuốc. Ông xác định: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật
(nghĩa là một cách làm người, vì con người), chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người, phải vui cái vui của người, phải lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình, không nên cầu lợi kể công”.
- Về Y lý, Y thuật
Lê Hữu Trác đã xây dựng lý luận và phương pháp chữa bệnh phù hợp với Phong thổ (địa lý, khí hậu, đặc điểm con người) Việt Nam. Trên cơ sở tham khảo, chọn lọc, tiếp thu những tinh hoa và thành tựu của các lý thuyết kinh điển Trung y, Hải Thượng Lãn Ông đã có những nỗ lực sáng tạo mới nhằm tìm ra những gì phù hợp nhất với phong thổ, thể trạng con người Việt Nam, từ đó xây dựng hệ thống lý luận và phương pháp chữa bệnh mang tính khả thi, tính thực tiễn sâu sắc.
- Về Dược và Dưỡng sinh
Tham khảo quan niệm dân gian “Trời đất sinh ra giống người ở xứ nào thì phải sinh ra các vị thuốc ở xứ ấy để cứu cho người ta khi có bệnh tật” (quan niệm phổ biến trong Nam thiên y lý dân gian Việt Nam) và kế thừa tư tưởng “Nam dược trị Nam nhân” của Đại danh y Tuệ Tĩnh, Lê Hữu Trác đã dày công đúc kết, sáng tạo cả về mặt lý luận và thực tiễn, nhằm xây dựng một nền y học độc lập, tự chủ, phù hợp với Phong thổ Việt Nam, dược liệu Việt Nam.
Những đóng góp của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đối với nền khoa học, văn học, văn hóa dân tộc
- Lê Hữu Trác - Nhà tư tưởng lớn, nhà khoa học cần mẫn, trung thực, không ngừng nỗ lực, sáng tạo
Trước tác cũng như toàn bộ hoạt động của Lê Hữu Trác cho thấy ông có cả một hệ thống tư tưởng đúng đắn, tiến bộ (tư tưởng y học, tư tưởng triết học, tư tưởng văn học, tư tưởng nhân học), tất cả đều thống nhất ở cốt lõi vì con người.
- Lê Hữu Trác - Nhà văn có phong cách độc đáo với tư tưởng nhân văn sâu sắc
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác vừa là nhà thơ, nhà văn có phong cách, cá tính tài hoa, độc đáo, có đóng góp quan trọng cho lịch sử văn học dân tộc.
Đặc biệt Thượng Kinh ký sự (Ký sự lên kinh đô) - phần cuối (tập 28) của bộ Hải Thượng Y tông tâm lĩnh đã đưa Lê Hữu Trác vào danh sách các tác gia lớn của văn học Việt Nam.
- Lê Hữu Trác - Danh nhân văn hoá mang tầm vóc lớn lao, có ảnh hưởng và sức truyền cảm hứng mạnh mẽ đến nhiều quốc gia, dân tộc
Ở Lê Hữu Trác, một mặt là sự “tổng hợp” tư cách một đại danh y và tư cách một nhà tư tưởng, nhà văn lớn, mặt khác là sự “vượt lên”, mở rộng hơn nhờ những hoạt động, ứng xử phong phú, đa chiều và những đóng góp lớn lao trên nhiều lĩnh vực của ông.
Tất cả các hoạt động và trước tác của Lê Hữu Trác đều thực sự và triệt để hướng về con người, về Chân - Thiện - Mỹ. Ông là một lương y tận hiến, một nhà văn sáng tạo, một trí thức, nhà khoa học, nhà văn hoá sống, hoạt động và ứng xử luôn lấy nghĩa lớn và đức nhân làm trọng. Trong tư cách nào và ở lĩnh vực hoạt động nào, Lê Hữu Trác cũng đều tỏ ra thực sự là một Nhân cách - Trí tuệ - Tâm hồn lớn; là một tấm gương thực sự về lao động, học tập và sáng tạo; sống chỉ biết vì con người và nghĩa cả.
Lê Hữu Trác thực sự mang tầm vóc quốc tế của một danh nhân văn hóa lớn, phù hợp với lý tưởng, sứ mệnh mà UNESCO cổ vũ và thúc đẩy “theo hướng đoàn kết các dân tộc, lòng khoan dung, lý tưởng hòa bình, đối thoại giữa các nền văn hóa và hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc”.
Vào ngày 21/11/2023, tại Phiên họp toàn thể Đại hội đồng UNESCO lần thứ 42 đã thông qua Nghị quyết cùng vinh danh và tham gia kỷ niệm trong niên khóa 2024 - 2025 các danh nhân, sự kiện lịch sử trên thế giới, trong đó có Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác của Hà Tĩnh - Việt Nam.
Để có thể được UNESCO vinh danh, hồ sơ về Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã được xây dựng công phu, khoa học, nêu bật được những đóng góp và những giá trị, thông điệp tiêu biểu, nổi bật của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, đáp ứng một cách đầy đủ và thuyết phục các tiêu chí của Đại hội đồng UNESCO.
QUÁ TRÌNH CHUẨN BỊ VÀ TRÌNH UNESCO VINH DANH HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG LÊ HỮU TRÁC
Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 13/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2021, mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022, trong đó có nội dung "xây dựng hồ sơ trình Tổ chức UNESCO công nhận Danh nhân Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác", Thông báo số 371/TB-UBND ngày 03/10/2022 về Kết luận Phiên họp UBND tỉnh ngày 25/9/2022; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu các nội dung sau:
Các văn bản liên quan:
- Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 13/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2021.
- Văn bản số 1006/BVHTTDL-DSVH ngày 28/3/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc lập hồ sơ đề xuất kỷ niệm 300 năm ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
- Văn bản số 589/UBND-VX ngày 09/02/2022 của UBND tỉnh về việc vận động UNESCO vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
- Kế hoạch số 299/KH-UBND ngày 28/7/2022 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về lập hồ sơ khoa học trình UNESCO vinh danh Danh nhân Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
- Quyết định số 1537/QĐ-UBND ngày 28/7/2022 của UBND tỉnh về việc Thành lập Ban soạn thảo hồ sơ trình UNESCO vinh danh Danh nhân Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Ban soạn thảo gồm các thành viên: Đồng chí Võ Hồng Hải, UV BTV Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; đc Lê Ngọc Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; PGS.TS. Biện Minh Điền, Trường ĐH Vinh; Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Tuấn ở Hà Nội; bà Nguyễn Thị Song Hương, Việt kiều tại Pháp; ông Lê Hữu Khánh, nhà nghiên cứu văn hóa, hậu duệ của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác ở Hưng Yên; đc Trần Xuân Lương, đc Nguyễn Tùng Lĩnh Sở VHTTDL;
- Văn bản số 213-CV/BCS ngày 11/11/2022 của Ban Cán sự Đảng về việc trình xin chủ trương các hoạt động vinh danh Danh nhân Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
- Văn bản số 1686/SVHTTDL-QLVH2 ngày 11/11/2024 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi Ủy ban UNESCO Việt Nam về hỗ trợ vận động UNESCO vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Có một điều rất đáng chu ý ở đây: Đó là Hồ sơ Nguyễn Du, Chu Văn An, Hồ Xuân Hương đều phải thực hiện trong nhiều năm; Hồ sơ Tuệ Tĩnh đến năm 2030 mới nộp mà đã bắt đầu từ năm 2023. Trong khi đó hồ sơ khoa học về Lê Hữu Trác thì chúng ta chỉ làm trong vòng chưa đầy 1 năm. Cụ thể:
+ Tháng 2 năm 2022, UBND tỉnh bắt đầu triển khai;
+ Tháng 3/2022: Tổ chức Hội thảo khoa học tại huyện Hương Sơn; + Tháng 8/2022: Tổ chức Hội thảo khoa học tại Bộ Y tế;
- Văn bản số 6667/BYT-YDCT ngày 18/11/2022 của Bộ Y tế về việc hiệu chỉnh, bổ sung hồ sơ đề nghị UNESCO vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
- Văn bản số 4764/BVHTTDL-DSVH ngày 30/11/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc góp ý Hồ sơ Lê Hữu Trác.
- Ngoài những văn bản nêu trên, ngày 16/9/2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Văn bản số 1364/SVHTTDL-QLVH2 gửi Sở Văn hóa và thể thao, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị hỗ trợ cung cấp các thông tin (các địa danh, tên đường, tên các trường học, công trình… mang tên Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác). Sau quá trình soát xét phối hợp và được sự hỗ trợ của các tỉnh, thành phố, xác định được gần như tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước (47/63) có các địa danh, tên đường, tên các trường học, công trình mang tên Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
+ Tháng 9/2022: Hà Tĩnh đã nộp hồ sơ lên Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; Tháng 10/2022, Việt Nam đã có Công hàm gửi lên Tổ chức UNESCO.
Hồ sơ hơn 35 trang, được UNESCO dịch ra 6 ngôn ngữ: Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Ả rập, Trung Quốc;
*Về phần giới thiệu tiểu sử, sự nghiệp nhân vật: Rất hiếm danh nhân Việt Nam có được tiểu sử một cách đầy đủ, chân thật như Lê Hữu Trác (bởi chính ông kể chuyện về mình). Do UNESCO dịch ra 6 ngôn ngữ, cũng là dịp để giới thiệu danh nhân Việt ra quốc tế nên phần này được chú trọng, nêu bật được nhân cách, trí tuệ của Lê Hữu Trác dù trong khuôn khổ hồ sơ là vắn tắt, là những gạch đầu dòng của sự kiện...
*Về phần danh nhân Lê Hữu Trác, vai trò và giá trị di sản đã nêu bật được tầm vóc quốc tế của ông và giá trị cống hiến cho dân tộc, nhân loại.
*Về ảnh hưởng quốc tế: được trình bày rất công phu, cả quá trình lịch sử nghiên cứu về Lê Hữu Trác ở Pháp và phương Tây, ở Trung Quốc và các nước khu vực đồng văn. Thống kê được các bản dịch tác phẩm của Lê hữu Trác ở nước ngoài, thống kê được các luận án thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài…
*Giới thiệu các trung tâm Y học ứng dụng phương pháp của Hải Thượng trong chữa bệnh... trên Thế giới.
Những cam kết của Việt Nam (tức là việc làm, hoạt động) khi Hải Thượng Lãn Ông được UNESCO ghi danh đồng kỷ niệm;
Ngân sách để tổ chức các hoạt động kỷ niệm.
Trong thời gian từ 01/11/2022 đến 15/01/2023, Vụ Ngoại giao văn hóa xin các nước ủng hộ là Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản... (quy định chỉ cần 2 nước ủng hộ); ngày 21/4/2023, BCH UNESCO tại Paris họp duyệt hồ sơ. Tháng 5/2023 xem xét các khiếu nại, rồi đệ trình danh sách để Đại hội đồng diễn ra vào tháng 11 thông qua. Tháng 11 năm 2023, Đại hội đồng UNESCO họp tại Paris đã gõ búa thông qua hồ sơ.
Theo đánh giá của các nhóm lập hồ sơ cho 6 danh nhân trước (Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, Nguyễn Du, Chu Văn An, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương) thì hồ sơ về Lê Hữu Trác chúng ta làm nhanh nhất, gọn nhất, ít tốn kém nhưng hiệu quả nhất…vv
Thông qua các hoạt động tuyên truyền nhằm giáo dục, bồi đắp truyền thống lịch sử dân tộc; khơi dậy niềm tự hào về quê hương, đất nước, tôn vinh cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng nhân văn và phát huy các giá trị di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác trong giai đoạn mới gắn với quảng bá tiềm năng, lợi thế, lịch sử văn hoá, đất nước, con người Việt Nam./.
Nguồn: Ban tuyên giáo Huyện uỷ Kỳ Anh